Dioxin và chất độc tồn dư

Trong chiến tranh Việt Nam, từ năm 1961 đến năm 1971 Quân đội Mỹ đã sử dụng trên 74 triệu lít các chất diệt cỏ, trong đó có khoảng 45 triệu lít chất da cam (ước tính chứa khoảng 366kg) và hơn 9.000 tấn chất độc CS cùng với đạn dược chứa chất độc CS. Nhận thức sâu sắc tác hại của chất độc hóa học, ngay sau khi kết thúc chiến tranh, Đảng, Nhà nước, quân đội ta đã có nhiều chủ trương, chính sách, huy động nhiều nguồn lực xã hội để hàn gắn vết thương chiến tranh, khắc phục hậu quả chất độc hóa học, khôi phục và phát triển sản xuất. Binh chủng Hóa học được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ làm nòng cốt trong việc điều tra, thu gom, xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng thời bình của Binh chủng. Từ năm 1995-2002, Binh chủng Hoá học được giao chủ trì phối hợp với Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga và Học viện Quân y thực hiện các dự án điều tra, khảo sát, đánh giá và khắc phục hậu quả các khu vực nhiễm chất độc diệt cỏ chứa dioxin tại các sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng và Phù Cát, với các mục tiêu khảo sát đánh giá độ tồn lưu dioxin, nghiên cứu xây dựng công trình chống lan toả chất độc ra các khu vực xung quanh, nghiên cứu ảnh hưởng của dioxin đối với con người và biện pháp khắc phục, nghiên cứu các giải pháp tiêu độc phù hợp với điều kiện khu vực. Kết quả xác định được trên 61.000m3 đất có mức độ nhiễm độc dioxin vượt 1000 ppt cần xử lý; xây dựng tường bao, hệ thống cống lọc, cô lập nhiều hécta khu vực đất nhiễm độc; xác định được những biến đổi bất thường của thảm thực vật, động vật, những dấu hiệu bệnh lý của người dân sinh sống gần khu vực nhiễm độc, làm cơ sở cho các nghiên cứu về sau.
Xem thêm  Khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh
Trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2016, Binh chủng Hóa học làm chủ đầu tư dự án “Xử lý khu đất nhiễm chất độc hoá học chứa dioxin tại sân bay Biên Hoà tỉnh Đồng Nai” (XĐ-1 và XĐ-2), đã hoàn thành xử lý gần 150.000m3 đất nhiễm dioxin trên diện tích khoảng 4,7ha bằng công nghệ chôn lấp cô lập từ kết quả nghiên cứu đề tài cấp Nhà nước của Binh chủng, ngăn cản phát tán dioxin ra môi trường xung quanh, góp phần cải thiện môi trường, bảo vệ sức khoẻ cho bộ đội và nhân dân trong khu vực. Binh chủng đã hoàn thành dự án “Điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm chất độc da cam/dioxin tại 7 sân bay quân sự: Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Đà Nẵng, Phù Cát, Nha Trang, Tuy Hòa, Phan Rang và đề xuất các giải pháp xử lý”. Kết quả điều tra phát hiện thêm nhiều khu nhiễm mới tại các sân bay Phù Cát, Đà Nẵng, Biên Hòa và Tân Sơn Nhất, các khu vực trên đều bị nhiễm chất độc da cam/dioxin rất nặng, cao hơn rất nhiều lần ngưỡng cho phép, đòi hỏi phải tiến hành xử lý triệt để. Từ 2016 đến nay Binh chủng Hóa học đang tiếp tục thực hiện các dự án điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm chất diệt cỏ tại các sân bay dã chiến thuộc khu các Quân khu 4, 7, 9 và xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So, huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng thời hợp tác với các đối tác quốc tế như tập đoàn Shimizu (Nhật Bản), tập đoàn Haemers (Bỉ) thử nghiệm các công nghệ xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa. Bên cạnh việc trực tiếp điều tra, thu gom, xử lý chất độc tồn lưu, Binh chủng còn được giao nhiệm vụ giám sát công nghệ dự án Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng, do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) chủ trì thực hiện và Quân chủng Phòng không – Không quân làm chủ đầu tư.
Xem thêm  Sách trắng Quốc phòng Việt Nam
Đối với công tác điều tra, thu gom, xử lý chất độc CS tồn lưu sau chiến tranh, bắt đầu từ năm 1999, Binh chủng đã phối hợp với phòng Hóa học, phòng Khoa học quân sự, Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh thuộc các Quân khu 4, 5, 7, 9 tiến hành điều tra tại 293 huyện, thị, thành của 34 tỉnh trên địa bàn các quân khu, đã phát hiện, thu gom và xử lý được hơn 400 tấn chất độc CS và đạn dược chứa chất độc CS. Đặc biệt năm 2005, đã hoàn thành việc khai quật, thu gom, xử lý triệt để 36,1 tấn chất độc CS và đạn dược chứa chất độc CS tại chân đèo Cù Mông, điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Từ năm 2013 đến năm 2015, Binh chủng tiếp tục tiến hành thu gom, xử lý 6 địa điểm tập trung tại huyện Cư Jút và Đắk Song tỉnh Đắk Nông, huyện Sa Thầy tỉnh Kon Tum, Cụm kho CK55/Cục Kỹ thuật/Quân khu 5, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, kho K1 thuộc Quân khu 9 tỉnh Tiền Giang. Kết quả trên đã góp phần làm trong sạch môi trường ở một số khu vực, đảm bảo an toàn cho người và môi trường xung quanh, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân có đất canh tác, an tâm tư tưởng trong sản xuất và canh tác, góp phần ổn định tình hình kinh tế – chính trị – xã hội ở các địa phương. Song song với công tác khắc phục xử lý, Binh chủng Hóa học cũng triển khai nhiều đề tài nghiên cứu Khoa học và Công nghệ khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh như đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu lựa chọn công nghệ khả thi để xử lý đất nhiễm dioxin trong điều kiện Việt Nam”, đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu lựa chọn công nghệ xử lý triệt để dioxin trong đất và trầm tích phù hợp điều kiện Việt Nam”.
Xem thêm  Công tác cứu hộ - cứu nạn
Trên cơ sở phát huy tiềm lực sẵn có của mình, Binh chủng đã chủ động, tích cực triển khai nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo đúng đắn, kịp thời, toàn diện, đồng bộ, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ khắc phục hậu quả chất độc tồn lưu sau chiến tranh. Trong đó tập trung thực hiện tốt chức năng tham mưu đề xuất với Chính phủ, Bộ Quốc phòng về xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh; triển khai nghiên cứu nhiều chương trình, đề tài công nghệ xử lý chất độc hoá học chứa dioxin, chất độc CS tồn lưu phù hợp với điều kiện Việt Nam; trực tiếp thực hiện các dự án điều tra, thu gom, xử lý chất độc hóa học tồn lưu, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, tạo môi trường ổn định để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nguồn: Binh chủng Hóa học

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *