Ngày 29-8, tại thao trường Brestsky, nước Cộng hòa Belarus, nội dung “Ranh giới xạ thủ” dành cho nhóm vận động viên bắn tỉa nâng cao đã hoàn thành giai đoạn thi đấu đầu tiên với tên gọi “Phân loại cá nhân”. Sau khi Ban tổ chức nội dung tổng kết các bài thi, kết quả chung cuộc của giai đoạn thi đấu này đã được công bố. Cụ thể, trong số 11 đội tuyển tham gia nội dung, Đội tuyển Belarus đã giành vị trí đứng đầu giai đoạn “Phân loại cá nhân”. Đứng vị trí thứ 2 và 3 là Nga và Trung Quốc. Quá trình tính điểm tại giai đoạn “Phân loại cá nhân” được căn cứ vào thành tích hạ bia mục tiêu trong thời gian quy định của các bài bắn. Bên cạnh việc xác định đội tuyển giành chiến thắng, các xạ thủ cũng cạnh tranh để giành thành tích cá nhân.
Trong giai đoạn đầu tiên của nội dung, các xạ thủ bắn tỉa phải hoàn thành 9 bài bắn từ nhiều khoảng cách, vị trí bắn, vào nhiều loại mục tiêu khác nhau và trong khoảng thời gian giới hạn như: Khai báo bản thân, tư thế không thoải mái, xe buýt, lấy điểm ngắm, nhảy cóc, bắn tỉa khu vực, phòng thủ, cửa sổ đạn đạo… Nội dung “Ranh giới xạ thủ”, nhóm bắn tỉa nâng cao được tổ chức cho các xạ thủ bắn tỉa thuộc lực lượng đặc biệt thuộc quân đội các quốc gia tham dự. Do yêu cầu nâng cao của các bài bắn, trang bị súng bắn tỉa của nhóm thi đấu này là trang bị cá nhân riêng của từng đội tuyển và thường là súng trường bắn tỉa lên đạn bằng tay thay vì súng trường bán tự động SVD Dragonov như tại nhóm mở rộng. Tham gia nội dung này tại Army Games 2021 có đội tuyển các quốc gia: Nga, Belarus, Ấn Độ, Iran, Qatar, Trung Quốc, Pakistan, Serbia, Tajikistan, Uzbekistan, Sri Lanka. * Chiều 28-8, sau khi kết thúc giai đoạn thi đấu cuối cùng của nội dung “Cuộc đua công binh” tại thao trường Andreevsky ở vùng Tyumen, đội tuyển Nga đã được xác định giành vị trí nhất toàn đoàn ở nội dung thi đấu này. Đứng vị trí thứ 2 và 3 lần lượt là Uzbekistan và Belarus. Nội dung “Cuộc đua công binh” thể hiện sự nhuần nhuyễn, tinh nhuệ của các kíp công binh trong hoạt động tạo công sự, mở đường và chiến đấu. Nội dung thi đấu này có sử dụng các phương tiện cơ giới hạng nặng như: MDK (xe công tác đào đất), IMR (xe kỹ thuật rà phá), PTS (xe băng tải nổi), UR-77 (xe rà phá bom mìn) và GMZ-3 (máy đào mìn). Các đội tuyển đã vượt qua 26 chướng ngại vật, trong đó có nhiều chướng ngại đặc biệt như: Sông cạn, cầu tạm, lối rẽ, tìm lối đi trong bãi mìn. Chiều dài của sa đồ thi đấu dài 2.200m. TUẤN SƠN (tổng hợp). Nguồn tin: https://armygames.vn/