KỲ DIỆU THAY TIẾNG ĐÀN ĐÁ

Trước khi lên đường sang Liên bang Nga, NSND, TS, Thượng tá Nguyễn Xuân Bắc, Chủ nhiệm Khoa Nghệ thuật dân tộc và miền núi (Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội) tâm sự: “Tôi tự hào và vinh dự khi ở Army Games 2021 có tiết mục đàn đá. Hơn 30 năm nghiên cứu, giảng dạy và sáng tác tác phẩm về nhạc cụ dân tộc, tôi quan tâm đến nhạc cụ độc đáo này của đồng bào Tây Nguyên. Đây là cơ hội để tôi giới thiệu với bạn bè quốc tế về loại đàn độc nhất vô nhị này”.

Và rồi, chiều 25-8, trong khán phòng ở Nhà hát Trung tâm quân đội Liên bang Nga Frunze (Moscow), thí sinh Nguyễn Xuân Bắc-Hà Công Cương (Đội tuyển Văn hóa-Nghệ thuật QĐND Việt Nam) đã trình bày nhạc phẩm “Âm vang đại ngàn” bằng đàn đá và sáo, trong khuôn khổ Cuộc thi Đội quân văn hóa tại Army Games 2021.

Trước đó, cũng ở phần thi song tấu nhạc cụ truyền thống, NSND Nguyễn Xuân Bắc cùng Hà Công Cương đã trình diễn bản mashup “Tình ca du mục-Cachiusa” bằng đàn T’rưng và sáo.

Chuẩn bị cho Army Games 2021 nhưng do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên NSND, TS, Thượng tá Nguyễn Xuân Bắc không có điều kiện vào Tây Nguyên để chọn đá, cũng như gặp gỡ trực tiếp nghệ nhân chế tác đàn đá. Tài tình, mọi công đoạn từ ý tưởng, gọt đẽo đá, chỉnh lý âm thanh… người NSND mặc áo lính đều phải trao đổi qua điện thoại và internet; cùng lúc anh bắt tay vào sáng tác nhạc. Thời điểm chưa có đàn, NSND Nguyễn Xuân Bắc phải tập “chay”.

Nhờ thời gian dài đi thực tế cùng đồng đội, đồng nghiệp và học trò, sống cùng bộ đội và đồng bào Tây Nguyên nên Thượng tá Nguyễn Xuân Bắc đã tự mình “gom” kiến thức âm nhạc về đàn đá. Vì thế, khi sáng tác tiết mục “Âm vang đại ngàn” dự thi Army Games 2021, anh đã đưa âm hưởng dân ca, cồng chiêng của đồng bào các dân tộc Gia Rai, Ê Đê, Giẻ Triêng, Ba Na… vào tiết mục để thể hiện không gian hùng vĩ của đại ngàn, cùng nét văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên.

Xem thêm  ARMY GAMES 2021 TẠI VIỆT NAM: LỄ TRAO GIẢI VÀ BẾ MẠC HAI NỘI DUNG “XẠ THỦ BẮN TỈA” VÀ “VÙNG TAI NẠN”

Ở âm vực cao, tiếng đàn đá thánh thót xa xăm. Ở âm vực trầm, đàn đá vang như tiếng dội của núi rừng. Người xưa quan niệm: Âm thanh của đàn đá như cây cầu nối liền cõi âm với cõi dương, giữa con người với trời đất thần linh, giữa hiện tại với quá khứ. GS,TS Trần Văn Khê từng ngợi ca thanh âm của đàn đá “biểu hiện tâm tư hệt như con người”.

Trong khán phòng Nhà hát Trung tâm quân đội Nga Frunze, tiếng đàn đá (cùng tiếng sáo) không chỉ toát lên tâm tư tình cảm của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, mà còn đưa khán giả đến với vẻ đẹp hùng vĩ của Tây Nguyên đại ngàn. Kỳ diệu thay, đàn đá Việt Nam.

*Năm 1949, những người phu làm đường phát hiện tại Ndut Liêng Krak, Đắc Lắc, một bộ 11 thanh đá xám có dấu hiệu ghè đẽo con người, Phát hiện này được báo cho GS Georges Condominas, nhà khảo cổ người Pháp làm việc tại Viện Viễn Đông Bác Cổ. Tháng 6-1950, GS Georges Condominas đưa những thanh đá này về Paris, sau đó được nghiên cứu bởi GS âm nhạc André Schaeffner. Sau đó, vị GS âm nhạc này công bố kết quả nghiên cứu trên Tạp chí Âm nhạc học (năm thứ 33) số 97-98, vào tháng 7-1951, khẳng định về loại đàn “lithophone” ở Ndut Liêng Krak “không giống bất cứ một nhạc cụ bằng đá nào mà khoa học đã biết”. Hiện bộ đàn đá này được trưng bày ở Bảo tàng Con người (quận 16, Paris, Pháp). *Đàn đá đã được UNESCO xếp vào danh sách các nhạc cụ trong Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Nguồn tin: qdnd.vn

Trang Chủ: https://armygames.vn/

Xem thêm  THAM QUAN TRUNG TÂM GIAO LƯU VĂN HÓA HỮU NGHỊ TẠI TÂN CƯƠNG

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *