Gìn giữ Hòa bình

Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên hợp quốc (LHQ) đã và đang thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, phát biểu tại Lễ nâng cấp Trung tâm GGHB Việt Nam thành Cục GGHB Việt Nam (năm 2018).

Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử được 244 lượt cán bộ, nhân viên của quân đội đi làm nhiệm vụ GGHB LHQ tại trụ sở LHQ và tại các phái bộ Nam Xuđăng, Cộng hòa Trung Phi. Về hình thức sĩ quan hoạt động độc lập, Việt Nam đã cử 55 lượt sĩ quan quân đội đi làm nhiệm vụ sĩ quan tham mưu, quan sát viên quân sự và sĩ quan liên lạc (trong đó có 4 sĩ quan đã xuất sắc vượt qua các vòng thi của LHQ để trở thành nhân viên tại các cơ quan hoạch định chính sách chiến lược tại trụ sở LHQ (New York, Mỹ) và tại Sở Chỉ huy phái bộ Cộng hòa Trung Phi). Về hình thức đơn vị, Việt Nam đã cử 3 lượt Bệnh viện dã chiến cấp 2 (BVDC2) với 189 cán bộ, nhân viên y tế đi thực hiện nhiệm vụ này. Hiện tại, Việt Nam đang chuẩn bị Đội Công binh gồm 295 người để sẵn sàng triển khai trong thời gian tới.

Thực hiện Nghị quyết 1325 của LHQ về phụ nữ, hòa bình và an ninh, trong gần 7 năm qua, Việt Nam đã cử 33 lượt nữ quân nhân trong đội hình BVDC2 và 4 nữ sĩ quan theo hình thức cá nhân, đạt tỷ lệ gần 15%, cao hơn tỷ lệ trung bình hiện tại của lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ tại các phái bộ (6,4%). Đội Công binh biên chế 295 quân nhân dự kiến có khoảng 45 nữ quân nhân, đáp ứng đủ tỷ lệ 15% do LHQ đề ra.

Xem thêm  Dioxin và chất độc tồn dư

Việt Nam đã ký 9 Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác quốc phòng song phương trong lĩnh vực GGHB LHQ với các nước đối tác, gồm: Ốtxtrâylia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Niu Dilân, Pháp, Ấn Độ, Liên bang Nga; 1 Bản ghi nhớ với LHQ về triển khai BVDC2 đến Phái bộ GGHB tại Nam Xuđăng; Hiệp định khung với Liên minh châu Âu (FPA) về hoạt động quản lý khủng hoảng, tranh thủ sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế và các quốc gia đối tác, nhằm nâng cao năng lực tham gia hoạt động GGHB LHQ.

Tháng 6/2018, LHQ đã công nhận Cục GGHB Việt Nam là một trong bốn Trung tâm Huấn luyện quốc tế ở khu vực để triển khai huấn luyện theo Chương trình đối tác ba bên (Việt Nam, LHQ và một số nước đối tác); làm tiền đề để Việt Nam chủ trì, phối hợp với LHQ và Nhật Bản tổ chức 3 khoá huấn luyện cho nhiều sĩ quan trong nước và quốc tế về công binh trong 3 năm (2018, 2019, 2020). Các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã bầu Việt Nam là Chủ tịch Hiệp hội các Trung tâm GGHB khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2020-2021 và Mạng lưới các Trung tâm huấn luyện GGHB của ASEAN (APCN) cũng bầu Việt Nam làm Chủ tịch APCN.

Với những đóng góp thực chất, hiệu quả trên của lực lượng GGHB Việt Nam, Tổng thư ký LHQ, Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách hoạt động GGHB và Cố vấn quân sự của Tổng thư ký LHQ tại trụ sở LHQ đã gửi thư cảm ơn Chính phủ Việt Nam về sự đóng góp y tế và chất lượng chuyên môn của BVDC2 Việt Nam tại Phái bộ Nam Xuđăng… Sự tham gia tích cực của Việt Nam vào sứ mệnh GGHB của LHQ đã góp phần quan trọng vào thành công khi Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020 – 2021 với số phiếu kỷ lục (192/193 phiếu).

Xem thêm  Công tác cứu hộ - cứu nạn

Ngoài việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà LHQ giao, các “Chiến sĩ mũ nồi xanh” của Việt Nam còn dành nhiều thời gian giúp đỡ người dân địa phương tại 2 phái bộ Nam Xu đăng và Cộng hòa Trung Phi, như dạy học, chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con cái, vệ sinh phòng dịch, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, trồng trọt cải thiện cuộc sống…; tổ chức các chương trình thiện nguyện để giúp đỡ người dân và đặc biệt là trẻ em tại Nam Xuđăng, như may và tặng miễn phí khẩu trang, vật tư y tế phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho đồng nghiệp quốc tế, chính quyền địa phương và người dân Thủ đô Bangui (Cộng hòa Trung Phi); đóng hàng chục bộ bàn ghế và chuẩn bị nhiều loại sách vở, đồ dùng học tập để tặng trẻ em Tiểu học tại Ben Tiu, Nam Xuđăng…; qua những hoạt động đó, bạn bè quốc tế đã hiểu và trân trọng hơn về đất nước, con người Việt Nam, về lịch sử truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam, của Quân đội nhân dân Việt Nam và họ vô cùng trân quý những giá trị tốt đẹp của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của Việt Nam trong thời kỳ mới.

Trong thời gian tới, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, triển khai có hiệu quả hơn nữa các lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ của Việt Nam và nghiên cứu phương án triển khai Đội Công binh, mở rộng thêm các hình thức khác như quân cảnh, bộ binh bảo vệ, đội trực thăng vận tải; mở rộng các vị trí cá nhân tại các phái bộ và tiếp tục cử sĩ quan có đủ tiêu chuẩn ứng thi vào các vị trí chỉ huy tại các phái bộ và vào làm việc tại các cơ quan của LHQ.

Xem thêm  Khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *