Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) đang trở thành sân chơi hấp dẫn, độc đáo, thu hút đông đảo đội tuyển quân sự các quốc gia trên thế giới. Với mục đích tăng cường hợp tác quân sự giữa các nước, thúc đẩy phát triển quan hệ tin cậy giữa bộ quốc phòng các quốc gia, kiến tạo cộng đồng hòa bình, Army Games đang dần trở thành biểu tượng hòa bình, hữu nghị trên thế giới.
Đối với Việt Nam, tham gia Army Games thể hiện tinh thần tích cực, chủ động hội nhập quốc tế về quốc phòng, là nơi phẩm chất và tài năng Bộ đội Cụ Hồ tỏa sáng.
Từ ý tưởng bị hoài nghi
Năm 2013, Bộ Quốc phòng Liên bang (LB) Nga triển khai cuộc thi hằng năm về huấn luyện chiến đấu, tên gọi ban đầu là “Xe tăng hành tiến” với sự tham gia của các đội đến từ 4 nước (Nga, Kazakhstan, Belarus, Armenia). Ban đầu, khi ý tưởng được triển khai đã vấp phải không ít ý kiến hoài nghi. Thượng tướng Ivan Buvaltsev, Tổng cục trưởng Tổng cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu Các lực lượng vũ trang LB Nga từng phát biểu với truyền thông: “Khi Tổng cục Quân huấn bắt đầu thực hiện ý tưởng này, đã có rất nhiều người bày tỏ sự hoài nghi… Tuy nhiên, ngay trong năm 2013, chúng tôi đã bắt tay vào việc tổ chức Cuộc thi “Xe tăng hành tiến” lần thứ nhất”. Một năm sau, cuộc thi đã tạo nên bất ngờ khi thu hút hơn 60.000 người đến xem, gồm cả những người đam mê nghiên cứu công nghệ quân sự và cựu chiến binh từng phục vụ trong các đơn vị thuộc binh chủng xe tăng. Cuộc thi tiếp tục được tổ chức và mở rộng thêm nội dung thi phi công quân sự với sự hiện diện của 12 quốc gia. Từ những thành công đó, năm 2015, Army Games tổ chức tại LB Nga có 57 đội tuyển đến từ 17 quốc gia. Theo thống kê, có hơn 34.000 khán giả xem trực tiếp và khoảng 10 triệu người xem truyền hình.
Sức hút tăng không ngừng
Từ đó đến nay, mỗi năm Army Games được tổ chức một lần với quy mô ngày càng mở rộng cả về số quốc gia tham dự, số đội tuyển, nội dung thi đấu cũng như các quốc gia đăng cai. Nếu như Army Games năm 2016 có 19 nước, 121 đội tuyển tham gia 23 cuộc thi, gần 360.000 khán giả theo dõi trực tiếp và khoảng 75 triệu khán giả truyền hình thì năm 2017, các số liệu tương ứng là 28 nước, 150 đội tham gia 28 cuộc thi, gần 523.000 khán giả theo dõi trực tiếp và khoảng 92 triệu khán giả theo dõi qua truyền hình. Army Games năm 2018 đánh dấu 32 nước với 189 đội tham gia. Đặc biệt, số khán giả theo dõi trực tiếp gần 860.000 người, theo dõi qua truyền hình khoảng 150 triệu người. Năm 2020, bất chấp đại dịch Covid-19, đã có 32 nước cử 156 đội tuyển tham gia. Số đội tuyển tăng gấp 3 lần so với lần đầu tổ chức vào năm 2015 đã cho thấy sức hút ngày càng lớn của Army Games. Đặc biệt, con số hơn 1,2 triệu người xem trực tiếp và khoảng 2,2 tỷ người theo dõi qua truyền hình đã cho thấy Army Games giống như một thỏi nam châm được tăng cường thêm lực hút.
Năm 2021, có 34 nội dung thi đấu được 12 quốc gia đăng cai đồng tổ chức. Trong đó, Nga đăng cai tổ chức 16 nội dung; Belarus, Trung Quốc và Iran mỗi nước 3 nội dung; Việt Nam, Kazakhstan, Mông Cổ và Uzbekistan mỗi nước 2 nội dung; Algeria, Armenia, Qatar và Serbia cùng đăng cai 1 nội dung. Việt Nam đăng cai tổ chức thi môn Bắn tỉa và Cứu hộ-cứu nạn tại thao trường Miếu Môn.
Sức hút lớn nhất của Army Games là các nội dung thi liên tục được mở rộng cả về quân sự và văn hóa. Riêng về quân sự, các môn thi đấu ngày càng hoàn thiện theo hướng tăng độ khó, gắn chặt với sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, sát thực tế chiến đấu; tính cạnh tranh cao, đòi hỏi các tuyển thủ phải vượt qua thử thách, giành chiến thắng bằng sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố, đặc biệt là kỹ năng nghiệp vụ quân sự và sự phối hợp hiệp đồng ăn khớp giữa các thành viên trong tổ, kíp và đội. Một trong những nội dung ấn tượng trong Army Games 2020 là Liên hoan văn hóa “Tình bạn không biên giới” với những sắc màu đặc trưng văn hóa của nhiều dân tộc đã đem đến sự hiểu biết, tin cậy sâu sắc và bền vững giữa các quốc gia, sưởi ấm tình bạn nồng hậu, bền vững. Có một chi tiết đáng lưu ý là các kỳ Army Games đều tổ chức Cuộc thi “Chiến binh hòa bình”. Năm 2021, Armenia đăng ký nội dung này và có các đội: Nga, Belarus, Kazakhstan, Qatar và Hy Lạp (nước thành viên của NATO) tham dự.
Dấu ấn Việt Nam
Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam lần đầu tham gia Army Games vào năm 2018 ở 3 nội dung thi: Bếp dã chiến, Tiếp sức quân y và Xe tăng hành tiến. Tại Army Games 2019, QĐND Việt Nam có 8 đội: Xe tăng, Hóa học, Công binh, Bắn tỉa, Cứu hộ-cứu nạn, Bếp dã chiến, Tiếp sức quân y và Văn hóa nghệ thuật tham gia thi đấu ở 8 nội dung. Kết quả, Đội tuyển Xe tăng QĐND Việt Nam giành vị trí thứ hai bảng 2 Cuộc thi “Xe tăng hành tiến”, trong khi 3 đội: Công binh, Hóa học và Cứu hộ-cứu nạn đều giành huy chương đồng.
Army Games 2020, ngoài 8 nội dung thi đấu như năm 2019, QĐND Việt Nam tăng thêm các đội: Pháo binh, Huấn luyện chó nghiệp vụ, Thông tin liên lạc và Bầu trời quang đãng. Việc tham gia ngày càng nhiều nội dung thi đấu với số lượng cán bộ, chiến sĩ đông đảo thể hiện sự phát triển không ngừng, sâu rộng của đối ngoại quốc phòng nước ta. Kết quả, Đội tuyển Xe tăng QĐND Việt Nam lần đầu tiên đoạt huy chương vàng và cúp luân lưu của bảng 2 Cuộc thi “Xe tăng hành tiến”. Các đội tuyển Công binh, Cứu hộ-cứu nạn đoạt huy chương đồng. Đội tuyển Thông tin liên lạc lần đầu tiên tham gia Army Games nhưng đã xuất sắc giành huy chương đồng nội dung thi Kỹ năng thuần thục. Đội tuyển Bắn tỉa giành được huy chương bạc nội dung thi Đội phối hợp ăn ý và huy chương đồng bài thi Đội nhanh nhất. Tại Army Games 2021, đây là lần đầu Hải quân nhân dân Việt Nam cử biên đội tàu 015-Trần Hưng Đạo, 016-Quang Trung thuộc Lữ đoàn 162 (Vùng 4 Hải quân) tham gia thi đấu môn Cúp biển.
Army Games đang từng bước khẳng định khát khao “nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn” cùng thông điệp đoàn kết, hòa bình; dần trở thành “sứ giả” chinh phục trái tim hàng tỷ người trên thế giới, là sợi dây gắn kết yêu thương, đẩy lùi xung đột vũ trang và chiến tranh.
Home: https://armygames.vn/