ARMY GAMES – NƠI LAN TỎA DI SẢN VĂN HÓA QUÂN SỰ VIỆT NAM

Kể từ năm 2019, trưng bày Nhà hữu nghị tại Army Games trở thành một nội dung thường xuyên của đoàn Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam trong các kỳ Army Games. Đây là nơi để các quốc gia tham dự có dịp giao lưu, học hỏi, quảng bá và lan tỏa hình ảnh tốt đẹp về quân đội, con người và đất nước mình.

Với đoàn Việt Nam, không gian trưng bày Nhà hữu nghị trong những ngày diễn ra hội thao luôn luôn là điểm dừng chân lý tưởng của khách tham quan, để lại ấn tượng tốt đẹp về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam giàu bản sắc văn hóa, thân thiện, yêu chuộng hòa bình và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng trong mắt bạn bè quốc tế.

Lan tỏa giá trị văn hóa quân sự

Ở hai kỳ Army Games 2019 và 2020, trưng bày Nhà hữu nghị nằm trong nội dung tham gia Liên hoan văn hóa các dân tộc “Tình bạn không biên giới”. Chủ đề trưng bày lan tỏa một thông điệp xuyên suốt: “Việt Nam – Hòa bình, hợp tác – phát triển”, phản ánh chủ trương đối ngoại quốc phòng trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đồng thời mang tinh thần văn hóa quân sự Việt Nam sâu sắc.

Không gian trưng bày được chia làm 3 phần trưng bày các tư liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu, khái quát cao, giới thiệu về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam, truyền thống QĐND Việt Nam, quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và các nước. Đặc biệt, trong các trưng bày của Việt Nam, nội dung phản ánh mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Liên bang Nga được thể hiện một cách tinh tế, sâu sắc; sử dụng nhiều cách tiếp cận khách tham quan như hình ảnh từ mảng trung tâm trưng bày, mảng trưng bày độc lập và các ấn phẩm tờ rơi, bưu thiếp…

Bạn bè quốc tế, nhất là người dân Nga và cộng đồng người Việt Nam tại Nga đặc biệt thích thú khi được tìm hiểu về những chiến thắng quân sự lẫy lừng của QĐND Việt Nam với sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của nhân dân Liên Xô trước đây cũng như Liên bang Nga ngày nay.

Bạn Ekaterina Makarova (tên Việt Nam là Hương), một sinh viên Liên bang Nga từng học tại Việt Nam, phụ trách hướng dẫn đội tuyển xe tăng Việt Nam năm 2020 khi tham quan trưng bày tại Nhà hữu nghị từng chia sẻ“Trưng bày của Việt Nam có rất nhiều thông tin thú vị về lịch sử mà khi đi xung quanh trưng bày em chưa được biết, nhất là mối quan hệ hữu nghị đặc biệt của hai nước Việt Nam – Liên bang Nga. Em cũng từng đến tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và xem những hiện vật tiêu biểu được giới thiệu. Đó là những hiện vật quý giá gắn với lịch sử tiêu biểu mà các bạn trẻ của hai nước cần được biết”.

Xem thêm  Army Games: Lan tỏa tài hoa quân sự

Trưng bày Nhà hữu nghị của Việt Nam cũng vinh dự được đón Đại tướng Sergei Shoigu, Bộ trưởng Quốc phòng Liên bang Nga tham quan năm 2019; Thượng tướng Kartapolov, Thứ trưởng Quốc phòng, Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Quân sự các lực lượng vũ trang Liên bang Nga tham quan năm 2020, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với các nhà lãnh đạo quân đội nước chủ nhà.

Thách thức đang chờ đợi

Tại Army Games 2021, trưng bày Nhà hữu nghị không đơn thuần là nơi để giao lưu, quảng bá hình ảnh, văn hóa của các quốc gia tham dự mà trở thành một trong bốn giai đoạn thi trong môn “Đội quân Văn hóa”, đó là giai đoạn “Hoạt động triển lãm”. Điều này đặt ra những thách thức mới cho các thành viên tham gia trưng bày.

Ngay từ khi đội tuyển “Đội quân Văn hóa” QĐND Việt Nam được thành lập theo chỉ đạo của Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, nhóm thực hiện của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam do Thượng tá Đinh Xuân Hòa, Phó giám đốc chỉ đạo đã ngay lập tức bắt tay vào nghiên cứu nội dung trưng bày. Đặc biệt, bám sát nội dung trưng bày với 12 tiêu chí của Ban tổ chức và lưu ý hình thức bình chọn trực tuyến. Đây là những thử thách không nhỏ đối với nhóm thực hiện hoạt động triển lãm nói riêng và “Đội quân Văn hóa” nói chung; từ đó, xây dựng chương trình tổng thể của đội, phối hợp chặt chẽ giữa các giai đoạn thi nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo và quyết tâm giành kết quả cao nhất.

Tại Army Games 2021, chủ đề thi giai đoạn “Hoạt động triển lãm” là “QĐND Việt Nam – Truyền thống, hội nhập và phát triển” với 4 nội dung chính: Không gian trung tâm khánh tiết; phần 1 – Dấu ấn quốc phòng Việt Nam; phần 2 – Bản sắc Văn hóa Việt Nam; phần 3 – Ứng dụng giải pháp công nghệ và tương tác trải nghiệm. Triển lãm phản ánh những mốc son chói lọi của QĐND Việt Nam trong các chặng đường phát triển; quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga, hoạt động đối ngoại quốc phòng trong khu vực và trên thế giới; đồng thời, quảng bá, tôn vinh nét đặc sắc về đất nước, con người, văn hóa truyền thống, văn hóa quân sự Việt Nam.

Xem thêm  ĐỘI TUYỂN VĂN HÓA QUÂN SỰ QĐND VIỆT NAM ĐOẠT HAI CÚP VÀ 6 GIẢI THƯỞNG

Nếu như những năm trước tham gia Army Games với tính chất của hoạt động “liên hoan văn hóa các dân tộc” thì năm nay, hoạt động triển lãm tại Nhà hữu nghị là một nội dung tranh tài, nhất là có tới 19 quốc gia tham gia (năm 2020 có 15 nước), nhiều nhất kể từ khi Army Games được tổ chức bắt đầu từ năm 2015.

Năm 2021, nhiều trưng bày Nhà hữu nghị của các quốc gia nằm trong nhóm hoạt động tích cực, được ban tổ chức ghi nhận như Nga, Trung Quốc, Azerbaijan, Armenia, Kazakhstan, Belarus… tiếp tục có sự đầu tư đáng kể. Thêm vào đó có một số nước lần đầu tham dự như Iran, Venezuela, Sri Lanka, Lào, Burkina Faso được dự báo mang tới nhiều bất ngờ trong hoạt động triển lãm. Điều đó đòi hỏi trưng bày của Việt Nam cần có sự đầu tư nghiên cứu, nhiều giải pháp đổi mới, tạo ấn tượng đặc sắc đối với ban tổ chức và khách tham quan.

Trong trưng bày Nhà hữu nghị lần này, song song với việc xây dựng nội dung trưng bày chặt chẽ, khoa học, sử dụng nhiều giải pháp trưng bày mới, phù hợp với không gian và điều kiện tại chỗ, nhóm triển lãm đã chủ động nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị có nhiều kinh nghiệm ứng dụng công nghệ hiện đại trong trưng bày bảo tàng tại Việt Nam nhằm lựa chọn giải pháp phù hợp trong hoạt động trải nghiệm tương tác. Bởi lẽ, ứng dụng công nghệ trưng bày là một trong những tiêu chí quan trọng của giai đoạn thi triển lãm.

Trên cơ sở đó, hoạt động triển lãm của Việt Nam tại Army Games 2021 sẽ giới thiệu 4 loại hình công nghệ trưng bày, đó là: Tham quan tương tác bảo tàng 3D, trình chiếu đa phương tiện, trải nghiệm hệ thống thuyết minh tự động qua thiết bị smartphone cá nhân, tham quan thực tế ảo với kính VR (Vitual Reality).

Xem thêm  KỲ DIỆU THAY TIẾNG ĐÀN ĐÁ

Với các nội dung trải nghiệm công nghệ, triển lãm của Việt Nam đảm bảo được khách có thể tham quan trực tiếp và gián tiếp. Trực tiếp là tham quan tại Nhà hữu nghị với các thiết bị máy tính 3D, đa phương tiện và kính thực tế ảo sẽ mang lại những trải nghiệm đặc biệt cho khách tham quan, đặc biệt là đối tượng trẻ. Gián tiếp là khách tham quan có thể tải nội dung thuyết minh tự động thông qua quét mã QR ứng dụng iOS hoặc Android về Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam để có thể trải nghiệm ở bất cứ thời điểm nào, hay bất cứ nơi nào.

Bên cạnh đó, Nhà hữu nghị của đoàn Việt Nam còn có các tiết mục biểu diễn nghệ thuật, nhảy sạp, trải nghiệm ẩm thực, trưng bày trang phục truyền thống…

Hoạt động triển lãm tại Nhà hữu nghị là một trong những nội dung nhằm tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau và quan hệ đối ngoại, hợp tác quân sự quốc phòng giữa Việt Nam với các nước, nhất là quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga; đồng thời, chia sẻ cách tiếp cận, áp dụng các phương thức tiên tiến trong hoạt động của bảo tàng, trao đổi kinh nghiệm và tăng cường hợp tác giữa các bảo tàng trong phạm vi Army Games 2021.

Với sự đa dạng, phong phú về nội dung trưng bày cũng như các hoạt động tương tác, trải nghiệm, hoạt động triển lãm của “Đội quân Văn hóa” QĐND Việt Nam hứa hẹn sẽ để lại nhiều ấn tượng đặc sắc với bạn bè quốc tế, quảng bá, tôn vinh nét đặc sắc về đất nước, con người, văn hóa truyền thống, văn hóa quân sự Việt Nam; đồng thời là nơi để những con người Việt Nam đang sinh sống tại Liên bang Nga cùng hướng về Tổ quốc.

Home: https://armygames.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *